Theo ước tính của bộ phận nghiên cứu thuộc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tuần này, với tốc độ hiện tại, Nhật Bản sẽ có 5,91 triệu lao động nước ngoài vào năm 2040. Tuy nhiên, con số này vẫn thiếu gần 1 triệu người so với nhu cầu để duy trì mức tăng trưởng hàng năm 1,24%.
So với ước tính của JICA năm 2022, khoảng cách cung-cầu lao động này đã tăng gấp đôi. Nguyên nhân là do các nhà kinh tế đã điều chỉnh dự báo khi tốc độ tăng trưởng của các quốc gia cung cấp nhiều lao động cho Nhật Bản chậm lại.
Họ cho rằng khi các nền kinh tế đạt đến một mức độ phát triển nhất định, số lượng lao động di cư đến các nước phát triển sẽ tăng lên. Tuy nhiên, hiện tại, các nền kinh tế châu Á đang tăng trưởng chậm hơn so với năm 2022, làm giảm số lượng lao động muốn làm việc ở nước ngoài.
Trong bối cảnh dân số già và tỷ lệ sinh giảm, lao động nước ngoài được xem là “chìa khóa vàng” cho nền kinh tế Nhật Bản.
Đến tháng 10/2023, số lao động nước ngoài tại Nhật Bản đã tăng gấp bốn lần trong vòng 15 năm, đạt 2,05 triệu người, chiếm khoảng 3% lực lượng lao động. Chính phủ Nhật Bản đã mở rộng các loại visa công việc sang nhiều lĩnh vực và tuyên truyền để người dân dễ dàng chấp nhận lao động nhập cư hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio đang đối mặt với nhiều thách thức. Đồng yen mất giá và mức lương thấp đang khiến Nhật Bản phải nỗ lực hơn để thu hút nhân tài toàn cầu. Từ đầu năm nay, đồng yen đã giảm giá 12% so với USD.
Theo dữ liệu mới nhất từ Chính phủ Nhật Bản, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này trong quý I/2024 đã giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023, đánh dấu lần đầu tiên giảm trong hai quý liên tiếp. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới đang tiếp tục mất đà tăng trưởng.
Các chuyên gia cho rằng ba trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu đều giảm đáng kể so với quý trước đó.