Tại hội nghị sơ kết công tác thông tin tuyên truyền về việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc trong 6 tháng đầu năm và định hướng cho 6 tháng cuối năm 2024, diễn ra ngày 20/6 tại Hà Nội, ông Phạm Viết Hương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) – thông báo: Từ đầu năm đến ngày 19/6, cả nước đã có tổng cộng 78.024 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 62,4% kế hoạch năm (mục tiêu cả năm là 125.000 lao động).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), và Hàn Quốc là ba thị trường chính tiếp nhận lượng lớn lao động Việt Nam. Nhật Bản đứng đầu với 40.597 lao động (hơn 15% là nữ), nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản lên hơn 300.000 người.
Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận hơn 27.000 lao động. Hiện tại, tổng số lao động Việt Nam tại thị trường này vượt qua con số 280.000, chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng…
Hàn Quốc tiếp nhận hơn 5.500 lao động, phần lớn theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (Chương trình EPS) và hợp tác lao động kỹ thuật theo thị thực E7 với thời hạn làm việc trên 5 năm.
Năm 2024, Hàn Quốc đã phân bổ hạn ngạch tuyển chọn khoảng gần 10.000 lao động sang làm việc trong ngành sản xuất chế tạo (không bao gồm các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng…). Số lượng lao động đăng ký thi tiếng Hàn tăng đột biến trong năm nay, một sự khác biệt so với 12 năm trở lại đây.
Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường thông tin về nhu cầu và tình hình tại các thị trường tiếp nhận lao động, cũng như đẩy mạnh cảnh báo và ngăn chặn tình trạng lừa đảo lao động đi làm việc ở một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng cao, như Australia (dự kiến cần tuyển khoảng 1.000 lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp), và Hàn Quốc (trong lĩnh vực dịch vụ theo thị thực E9)…